Đây là khẳng định của ông Mitsuo Ohya – Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Toray Industries, Inc. (Nhật Bản) tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều ngày 14/1.
Ngày 14/1, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Theo đó, ngành dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, tuy nhiên, phải đảm bảo quy tắc xuất xứ là từ sợi trở đi. Để được hưởng lợi về hạn ngạch thuế quan, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang quan tâm, nghiên cứu đầu tư các dự án dệt may nói chung và dự án dệt nhuộm nói chung.
![]() |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp ông Mitsuo Ohya – Phó Chủ tịch Cấp cao, Tập đoàn Toray Industries, Inc |
Toray là 1 trong những tập đoàn dệt may lớn của Nhật Bản, hiện đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy dệt tại Việt Nam, dự kiến đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nam Định). Ông Mitsuo Ohya – Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Toray) – cho biết, mục tiêu của Tập đoàn là sử dụng thế mạnh để xây dựng nhà máy dệt, nhuộm tại Việt Nam, hy vọng biến nhà máy đó thành nhà máy kiểu mẫu trong lĩnh vực dệt, nhuộm ở Việt Nam.
“Hiện, chúng tôi đang xem xét đầu tư tại Việt Nam. Một khi đã quyết định đầu tư sẽ đầu tư lâu dài tại Việt Nam.”- ông Mitsuo Ohya nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy dệt tại Việt Nam của Tập đoàn Toray. Bộ trưởng đánh giá chuyến công tác của ngài Mitsuo Ohya lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời điểm quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản đang đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đặc biệt hơn nữa, ngày 14/1, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội vô cùng to lớn đối với ngành dệt may của Việt Nam trong đó bao gồm doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành dệt may tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ băn khoăn và lo lắng về năng lực của Việt Nam dưới góc độ nguồn cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của dệt may và da giày. Hiện, Việt Nam đang tập trung phát triển công nghiệp ưu tiên cho ngành này, trong đó có ngành công nghiệp hóa dầu.
Bộ trưởng cho biết, chuỗi sản phẩm hóa dầu ở Việt Nam bao gồm cả sản phẩm sơ sợi nhân tạo đã được kiến nghị và trong quy hoạch triển khai thực hiện. Trong đó có hàng loạt nhà máy lọc hóa dầu lớn, trung tâm hóa dầu lớn như Long Sơn, sẽ là nền tảng công nghiệp quan trọng phục vụ đầu vào cho nhà máy sợi.
“Những nhà máy tương tự như Toray đang dự kiến đầu tư tại Nam Định sẽ là lát cắt cuối cùng có được bức tranh tổng thể ngành công nghiệp dệt may và chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao sẽ được hình thành tại Việt Nam.”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cam kết Bộ Công Thương sẽ luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, sẽ chủ động phối hợp, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, ngành dệt may Việt Nam hiện có 7.000 doanh nghiệp, sử dụng trên 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong hơn 10 năm qua. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 36,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu may mặc đạt 24,7 tỷ USD, xơ sợi đạt 4 tỷ USD, xuất khẩu vải chỉ đạt 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập khẩu 21,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017, trong đó nhập khẩu vải đạt 12,8 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.
Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), 2/3 lượng sợi sản xuất trong nước (khoảng 750.000 tấn) phải xuất khẩu, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2/3 lượng vải cần thiết cung cấp cho các công ty may mặc.
>>> Xem thêm : tin tức Nhật Bản !
Cách nhận biết và lựa chọn công ty xuất khẩu lao động có uy tín tốt !